Bé trai bị dị dạng hậu môn trực tràng

29/03/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Bé trai bị dị dạng hậu môn trực tràng

Bé Minh có lỗ hậu môn kích thước nhỏ, bác sĩ chẩn đoán bị dị dạng hậu môn trực tràng thể thấp, cần phẫu thuật. Ngày 29/3, ThS.BS Lâm Thiên Kim, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích bất sản hậu môn trực tràng là dị tật bẩm sinh liên quan đến sự phát triển không hoàn chỉnh của hậu môn và trực tràng, dẫn đến các vấn đề về đại tiện, chức năng tiêu hóa.

Bệnh chia thành ba dạng gồm cao, trung gian và thấp. Dị dạng hậu môn trực tràng thể thấp như bé Minh khó phát hiện, biểu hiện ban đầu thường là táo bón nặng cho đến khi phân tạo thành khuôn.

Êkíp bác sĩ xẻ đường rò, tạo hình hậu môn, sau đó khâu niêm mạc và nong hậu môn trong 60 phút. Sau phẫu thuật, bé Minh đi đại tiện bình thường, không sốt, xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Bác sĩ Kim (ngoài cùng bên trái) phẫu thuật tạo hình hậu môn cho bé Minh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Dị tật hậu môn trực tràng là dị tật bẩm sinh tương đối ít gặp, thường xuất hiện ở bé trai nhiều hơn bé gái, theo bác sĩ Kim. Bệnh thường được điều trị bằng phẫu thuật để tạo hình, phục hồi chức năng hậu môn khi trẻ đủ vài tháng tuổi và sức khỏe ổn định.

Sau phẫu thuật, một số trẻ có thể gặp các vấn đề như táo bón mạn tính. Vì vậy, trẻ cần điều trị dứt điểm, cải thiện chức năng đại tiện bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc nhuận tràng. Bác sĩ hướng dẫn người nhà cách chăm sóc vết mổ, sử dụng thuốc điều trị táo bón khi cần thiết. Nếu trẻ có biểu hiện sốt, nhiễm trùng, đau hậu môn, rối loạn tiêu hóa hay táo bón, phụ huynh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Đình Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật